Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ. Tuyến giáp tiết ra hai hormon chính là T3, T4, hai hormon này tham gia vào điều hòa hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch, thần kinh.
Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh gì?
Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp, một tuyến nhỏ tại các cơ quan ở cổ và bên dưới yết hầu. Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, sản xuất hormone có vai trò phối hợp nhiều chức năng của cơ thể. Viêm từ bệnh Hashimoto, còn được gọi là viêm tuyến giáp mạn tính, thường khiến cho tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp).
Nguyên nhân bị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Đến ngày nay, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto vẫn chưa được công bố nguyên nhân một cách chính thức, nhưng có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng nhiều:
- Gen di truyền: Những bệnh nhân mắc bệnh thường có tiểu sử gia đình.
- Hoocmon: Ảnh hưởng bệnh lên nữ giới nhiều hơn gấp 7 lần nam giới, vì thế, các hoocmon giới tính cũng có vai trò quyết định đến nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, một vài phụ nữ còn mắc bệnh thời kỳ đầu mang thai.
- Tăng iod một cách quá mức cho phép.
- Phơi nhiễm phóng xạ: Có một vài báo cáo cho rằng, bệnh viêm tuyến giáp có dấu hiệu gia tăng ở những bệnh nhân phơi nhiễm phóng xạ, như vụ nổ bom ở Nhật Bản, hay những người điều trị bệnh ung thư máu bằng phương pháp xạ trị.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Một số yếu tố phổ biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Hashimoto là:
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh Hashimoto hơn đàn ông.
- Tuổi tác: Bệnh Hashimoto có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra trong độ tuổi trung niên.
- Yếu tố di truyền: Bạn có nguy cơ mắc bệnh Hashimoto nếu những người khác trong gia đình mắc bệnh về tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn khác.
- Bệnh tự miễn khác: Bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường loại 1 hoặc lupus, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Hashimoto.
- Tiếp xúc với bức xạ: Những người tiếp xúc quá mức với môi trường bức xạ dễ bị mắc bệnh Hashimoto.
Dấu hiệu của bệnh Viêm tuyến giáp Hashimoto
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào là đặc hiệu. Bệnh thường tiến triển âm thầm, qua nhiều năm sẽ dẫn đến suy giáp. Khi nhận ra các dấu hiệu của bệnh, đa số các bệnh nhân đã đi vào tình trạng suy giáp. Vì thế, các dấu hiệu nhận biết bệnh chủ yếu là từ suy giáp mà ra:
- Mệt mỏi ở cường độ mạnh, sợ lạnh, táo bón nặng.
- Da khô, tái nhợt, mặt phù tròn, khàn giọng.
- Tăng cân không rõ lý do mặc dù chán ăn.
- Đau cơ, cứng cơ ở vị trí vai và đùi.
- Đối với nữ sẽ bị rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kin.
- Trầm cảm, buồn ngủ.
- Đặc biệt, tuyến giáp thường bị to hoặc bị teo nhỏ lại.
- Trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp lại.
Các biến chứng bệnh Viêm tuyến giáp Hashimoto
Các biến chứng của viêm tuyến giáp Hashimoto đều liên quan đến tình trạng suy giáp nặng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
- Tâm thần kinh: Trầm cảm.
- Phù niêm, thậm chí hôn mê do phù niêm.
- Tim mạch: Xơ vữa mạch máu liên quan đến tình trạng tăng LDL, suy tim.
- Vô sinh do nồng độ hormon tuyến giáp thấp làm ức chế quá trình rụng trứng.
- Biến chứng ở phụ nữ có thai: Tùy theo mức độ suy giáp của thai phụ trong quá trình mang thai mà có thể có các nguy cơ thai nhẹ cân, sảy thai, thai lưu, di tật bẩm sinh, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Ngoài việc dựa vào các dấu hiệu bệnh đã nêu ra ở trên, các bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp xét nghiệm máu để đo lường nồng độ hormon tuyến giáp và hormon kích thích tuyến giáp để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh:
- Xét nghiệm hormon: Chủ yếu là đo nồng độ hormon được sản xuất bởi tuyến giáp. Nếu tuyến giáp kém hoạt động thì nồng độ sẽ thấp và ngược lại.
- Xét nghiệm kháng thể: Vì viêm tuyến giáp là một bệnh tự miễn nên nó liên quan đến sự sản xuất của các kháng thể, như kháng thể peroxidase tuyến giáp. Qua đó, bác sĩ cũng phần nào biết được tuyến giáp của bệnh nhân đang ở trạng thái như thế nào.
Điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto
- Phương hướng điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto phụ thuộc bệnh nhân đã có suy giáp hay chưa. Nếu không có bằng chứng của thiếu hụt hormon giáp thì bệnh nhân không cần điều trị gì nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp. Cho đến nay chưa có thuốc nào có tác dụng điều trị khỏi bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Với những bệnh nhân có thiếu hụt hormone (có suy giáp) sẽ được điều trị thay thế bằng hormon giáp tổng hợp, thuốc có cấu trúc và tác dụng giống hệt hormon tự nhiên do tuyến giáp sản xuất ra.
- Thường sau khi điều trị một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ thấy đỡ mệt nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm (T4, TSH, cholesterol…) về bình thường thì phải mất 3 – 6 tháng.
- Điều chỉnh liều thuốc: Một khi đã bị suy giáp, các bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto cần điều trị hormone thay thế suốt đời.
Để đảm bảo liều thuốc có tác dụng thì bệnh nhân cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hàng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp và sau đó là hàng năm. Dùng liều thuốc thyroxin cao hoặc thấp quá đều không tốt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto? Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Không ăn các loại thực phẩm có phản ứng với miễn dịch: Gluten, thực phẩm đặc hiệu, v.v.
- Ăn các loại thực phẩm chữa bệnh đường ruột.
- Bổ sung các chất dinh dưỡng hữu ích, thảo dược và chế phẩm sinh học.
- Tăng cường khả năng giải độc của cơ thể.
- Kiểm soát căng thẳng dài hạn.