Viêm tuyến giáp sau sinh xảy ra những người có chức năng tuyến giáp bình thường trước đó, tuyến giáp của họ trở nên viêm trong năm đầu tiên sau khi sinh em bé. Đây là một bệnh lý không thường gặp.
Viêm tuyến giáp sau sinh là bệnh gì?
Viêm tuyến giáp sau sinh là quá trình viêm của tuyến giáp xảy ra trong năm đầu tiên sau khi sinh bé mà trước đó tuyến giáp của bạn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với những stress hay những rối loạn tâm thần sau sinh.
Với phần lớn phụ nữ mắc bệnh này, chức năng của tuyến giáp sẽ trở lại bình thường sau 12-18 tháng từ lúc triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, có một số biến chứng xảy khiến bạn phải điều trị lâu dài.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp sau sinh vẫn chưa được biết một cách chính xác. Tuy nhiên những phụ nữ mắc bệnh thường có nồng độ kháng thể kháng giáp cao hơn bình thường khi mang thai và sau khi sinh. Vì thế người ta cho rằng những phụ nữ này có bệnh tuyến giáp tự miễn nền nào đó, khi mang thai, hệ miễn dịch bị rối loạn, là một nhân tố khiến cho bệnh bùng phát.
Những yếu tố nguy cơ
Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Bệnh lý tự miễn, chẳng hạn như đái tháo đường type 1.
- Tiền sử từng bị viêm tuyến giáp sau sinh.
- Nồng độ kháng thể kháng giáp trong máu cao.
- Tiền sử bệnh lý tuyến giáp trước đó.
- Tiền sử gia đình có bệnh tuyến giáp.
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh viêm tuyến giáp sau sinh và bệnh trầm cảm sau sinh, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa. Do đó, nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra chức năng tuyến giáp của bạn.

Triệu chứng của viêm giáp sau sinh
Quá trình viêm tuyến giáp sau sinh trải qua 2 pha. Đầu tiên tuyến giáp bị viêm sản xuất nhiều hormon giáp gây các triệu chững của cường giáp như:
- Mệt mỏi.
- Dễ tức giận.
- Tim đập nhanh và mạnh.
- Sụt cân mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Chịu nóng kém, sợ nóng.
- Lo âu.
- Run cơ.
- Mất ngủ.
Những triệu chứng này thường xảy sau sinh 1-4 tháng và kéo dài 1-3 tháng. Sau đó, các tế bào giáp trở lên kém hoạt động dẫn đến pha 2 với các triệu chứng của suy giáp như:
- Cảm giác mệt như không còn năng lượng.
- Sợ lạnh.
- Táo bón.
- Da khô.
- Kém tập trung.
- Nhức mỏi và đau cứng cơ khớp.
Những triệu chứng này sảy ra sau sinh 4-8 tháng và có thể kéo dài 9-12 tháng.
Tuy nhiên bạn phải cần biết rằng đôi khi viêm tuyến giáp sau sinh chỉ có các biểu hiện của suy giáp hoặc cường giáp mà không phải 2 pha như trên.
Viêm tuyến giáp sau sinh gây ra những biến chứng gì?
Đối với hầu hết bệnh nhân bị viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường – thường trong vòng từ 12 đến 18 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân không hồi phục sau giai đoạn nhược giáp. Do đó, bệnh sẽ tiến triển thành chứng nhược giáp. Đây là một tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất đủ các hóoc-môn quan trọng.
Các phương pháp chẩn đoán viêm tuyến giáp sau sinh
- Hỏi bệnh sử, khám thực thể dựa trên các triệu chứng bệnh.
- Xét nghiệm hormone: Xét nghiệm máu để định lượng hormone được sản xuất bởi tuyến giáp và tuyến yên.
- Xét nghiệm kháng thể: Vì bệnh Hashimoto là một bệnh tự miễn nên nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan tới việc tạo ra các kháng thể bất thường. Xét nghiệm máu có thể xác nhận sự hiện diện của kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp – một hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone giáp.
- Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh là đo độ hấp thụ i ốt phóng xạ cũng có thể được thực hiện.
Điều trị bệnh viêm tuyến giáp sau sinh
Hầu hết bệnh nhân không cần điều trị dù ở giai đoạn nào. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ theo dõi chức năng tuyến giáp định kỳ. Điều này sẽ giúp họ theo dõi liệu bệnh có tự mất đi không hay đang tiến triển thành nhược giáp.
Trong trường hợp có triệu chứng nặng của cường giáp, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc cho bạn. Những thuốc này ngăn chặn tác động của hóoc-môn lên cơ thể (Chẳng hạn như thuốc ức chế beta). Thuốc ức chế beta thường không được khuyến cáo cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, thuốc ức chế beta propranolol (Inderal) có thể được khuyến cáo. Bởi vì nồng độ của thuốc này trong sữa mẹ không cao như các loại chẹn beta khác.
Trong trường hợp có triệu chứng nặng của nhược giáp, bạn có khả năng phải điều trị với hóoc-môn từ 6 đến 12 tháng. Phương pháp này sử dụng các loại hóoc-môn tuyến giáp tổng hợp mỗi ngày. Các loại thuốc đó có thể là: Levothyroxine (Levo-T, Synthroid).
Khi bạn ngưng dùng thuốc, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tiến triển của bệnh nhược giáp. Bạn có thể cần xét nghiệm máu sau 6 tuần và 3 tháng. Và nếu kết quả xét nghiệm của bạn vẫn bình thường, bạn sẽ làm lại xét nghiệm máu hàng năm.

Phòng ngừa viêm tuyến giáp sau sinh
Những phụ nữ đã có tiền sử bị rối loạn tuyến giáp sẽ được bác sĩ tư vấn một chế độ ăn thích hợp để phòng ngừa bệnh. Và đối với những người muốn phòng ngừa rối loạn tuyến giáp sau sinh thì có thể áp dụng những phương pháp sau:
Ăn uống hợp lý
Bổ sung thêm trái cây, ngũ cốc, thịt nạc vào chế độ ăn. Các thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe và sữa mẹ.
Tập thể dục sau sinh
Khởi đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau tăng dần cường độ theo tình trạng sức khỏe bản thân.
Ngủ đủ giấc
Có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và khả năng sản xuất sữa mẹ. Nếu bị cường giáp, chị em cần hạn chế ăn những thực phẩm nhiều iot và chế phẩm từ sữa như cá biển, cua biển, tảo biển, muối iot, nước mắm, cải xoong, bơ, kem, phô mai, sữa chua,… và khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các bệnh lý về viêm tuyến giáp để nhận được lời khuyên thích hợp của bác sĩ chuyên khoa.