Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là vấn đề bệnh lý có thể gặp ở nam giới trưởng thành bất cứ độ tuổi nào nhưng hay gặp ở người dưới 50 tuổi. Triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột, nhiều trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do không được chẩn đoán kịp thời.
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là bệnh gì?
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là tình trạng tuyến bị viêm, sưng đột ngột, gây đau nhức, đái buốt, đái rắt, đái khó, xuất tinh buốt và có thể xuất hiện dịch đục hoặc mủ ở lỗ sáo. Đa số trong các trường hợp này, nguyên nhân thường xuất phát từ một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cụ thể, tuyến tiền liệt là một cơ quan nhỏ có hình quả óc chó, ôm quanh cổ bàng quang của nam giới. Tuyến này có chức năng tiết dịch để vận chuyển tinh trùng trong quá trình xuất tinh. Khi tuyến tiền liệt bị viêm, quá trình hoạt động không diễn ra bình thường, người bệnh sẽ gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chức năng tình dục, tiểu tiện…
Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến tiền liệt
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh là do vi khuẩn. Cụ thể bao gồm:
- Vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu có khả năng gây viêm tuyến tiền liệt, bao gồm: Proteus, Klebsiella, Escherichia coli.
- Một số vi khuẩn gây bệnh lậu và Chlamydia.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý thường gặp khác cũng có khả năng dẫn đến tình trạng nghiêm trọng này, bao gồm:
- Viêm niệu đạo.
- Viêm mào tinh hoàn.
- Hẹp bao quy đầu.
- Chấn thương đáy chậu.
- Tắc nghẽn đường ra bàng quang (có thể xảy ra do tuyến tiền liệt phì đại hoặc sỏi trong bàng quang).
- Tổn thương do sử dụng ống thông tiểu hoặc nội soi bàng quang.

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt cấp
Bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn thường có các triệu chứng khởi phát đột ngột, kèm theo các biểu hiện khác như sốt cao, ớn lạnh kèm buồn nôn, ói mửa.
Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn, bao gồm:
- Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, rét run, đau đầu.
- Khi đi tiểu có cảm giác đau hoặc nóng rát.
- Khó tiểu hoặc rặn tiểu.
- Đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm.
- Nước tiểu có màu đục.
- Tiểu ra máu.
- Đau vùng tiểu khung, đau khi xuất tinh, có máu trong tinh dịch.
- Cảm giác khó chịu ở tinh hoàn, đau bìu.
- Đau vùng hạ vị, có khi đau vùng thắt lưng, rồi lan xuống chân.
- Cảm giác đau ở vùng hội âm giữa bìu và hậu môn.
- Có thể xuất hiện các triệu chứng giống cảm sốt do nhiễm siêu vi.
Biến chứng viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Nếu phát hiện chậm hoặc không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Áp xe tuyến tiền liệt.
- Tổ chức xơ hình thành, dẫn đến tình trạng bí tiểu cấp tính.
- Người bệnh có thể bị viêm mào tinh hoàn, viêm nội mạc cơ tim nếu tình trạng viêm tuyến tiền liệt cấp tính kéo dài.
- Nếu bệnh nặng có thể gây nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Chẩn đoán bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Một số phương pháp chẩn đoán có thể được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để xác định vi khuẩn trong máu (nếu có sốt cao).
- Phân tích cặn nước tiểu: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện máu, bạch cầu hoặc vi khuẩn trong nước tiểu.
- Soi tươi dịch niệu đạo: Phương pháp này được tiến hành để xác định một số loại vi khuẩn, nấm, đơn bào… thông thường gây bệnh ở cơ quan sinh dục, tiết niệu.
- Kiểm tra niệu động học: Mục tiêu nhằm xác định một số vấn đề trục trặc liên quan đến bàng quang.
- Nội soi bàng quang: Bác sĩ tiến hành nội soi bàng quang để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang nhằm xác định các tổn thương cụ thể mà không thể nhìn thấy qua thăm khám bên ngoài.
Điều trị bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Thuốc kháng sinh
Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn. Quá trình sử dụng thường kéo dài từ 4 – 6 tuần hoặc lâu hơn nếu tình trạng có dấu hiệu tái phát. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định từng loại thuốc khác nhau.
Thuốc chẹn alpha
Thuốc chẹn alpha có tác dụng làm giãn cơ bàng quang, giúp giảm các triệu chứng khó chịu khi đi tiểu. Một số loại thường dùng bao gồm: Doxazosin, Terazosin và Tamsulosin. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Acetaminophen, Ibuprofen.
Điều chỉnh thói quen hàng ngày
Các triệu chứng viêm khó chịu có thể sẽ được cải thiện hiệu quả khi người bệnh thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hơn. Một số giải pháp hữu ích có thể tham khảo như:
- Tránh đi xe đạp để hạn chế áp lực lên tuyến tiền liệt.
- Tránh uống rượu bia, đồ uống có chứa caffeine.
- Tránh ăn thức ăn cay, có tính axit.
- Nên ngồi trên gối hoặc đệm.
- Tắm bằng nước ấm.

Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt cấp tính
Để phòng tránh viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn, bạn nên:
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, nhất là bộ phận sinh dục.
- Tránh ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu đến tuyến tiền liệt, không nên ngồi quá lâu trong nhiều giờ liền.
- Quan hệ tình dục hợp lý, điều độ.
- Tránh làm việc quá sức, không phù hợp với sức lực.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá,…
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Leave a reply