Viêm tuyến vú là tình trạng mô vú của phụ nữ bị đau và viêm. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ cho con bú, thường trong vòng ba tháng đầu sau khi sinh.
Viêm tuyến vú là bệnh gì?
Bệnh viêm tuyến vú hay còn gọi là viêm tuyến sữa là tình trạng viêm nhiễm ở một hay nhiều ống dẫn sữa của vú, thường liên quan đến việc cho con bú và có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và chữa trị triệt để. Viêm tuyến vú có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân bệnh Viêm tuyến vú
Những nguyên nhân gây viêm vú bao gồm:
Nhiễm khuẩn
Những vi khuẩn bình thường trú ngụ trên da không gây hại. Nhưng vi khuẩn này xâm nhập qua tổn thương da thì chúng sẽ gây nhiễm trùng. Nếu vi khuẩn đi vào mô vú do tổn thương vùng da xung quanh hoặc núm vú, chúng có thể dẫn đến viêm vú.
Tắc ống dẫn sữa
Ống dẫn sữa mang sữa từ các tuyến sữa đến núm vú. Khi các ống dẫn này bị tắc, sữa sẽ ứ đọng lại bên trong vú, gây viêm và cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm tuyến vú
Có các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến vú:
- Thường xuyên cho con bú trong tuần đầu sau sinh.
- Vú bị loét hoặc nứt.
- Không thay đổi tư thế khi cho con bú khiến sữa không thể chảy ra hết được.
- Có tiền sử mắc bệnh viêm tuyến vú trước đó.
- Sử dụng áo ngực quá chật.
- Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng kéo dài trong thời kỳ chăm con.
Triệu chứng viêm tuyến vú
Những triệu chứng thường gặp nhất của viêm vú là:
- Sưng vú.
- Đỏ, sưng, căng tức hoặc cảm giác nóng ở ngực.
- Ngứa.
- Căng tức vùng dưới cánh tay.
- Vết nứt nhỏ hoặc vết thương trên núm vú hoặc vùng da ở ngực.
- Sốt.
Viêm tuyến vú có nguy hiểm không?
Phụ nữ đang cho con bú có thể bị Viêm tuyến sữa ở một hay cả hai bên vú, thông thường sẽ xảy ra một bên vú, bên còn lại bình thường. Bệnh sẽ gây ảnh hưởng khó chịu cho người phụ nữ, có thể dẫn đến vú bên đó sưng to, đau đớn và bị nứt hay loét cả một vùng da vú và viêm xơ vú tạo sẹo không thể phục hồi.
Nếu không được điều trị kịp thời thì quá trình viêm sẽ tiến triển nặng gây phá hủy mô tuyến vú và xâm nhập vi khuẩn vào máu; hoặc viêm trở nên mạn tính là tiền đề cho Áp xe vú, viêm xơ tuyến vú và Ung thư hóa mô tuyến vú. Đối với bé sẽ không có nguồn sữa mẹ an toàn và hệ lụy có thể là chậm tăng trưởng thể trạng và tâm thần – vận động.
Chẩn đoán viêm tuyến vú
Hầu hết các trường hợp viêm vú đều có thể chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi về triệu chứng của bạn và thăm khám lâm sàng.
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về thời điểm bạn bắt đầu xuất hiện triệu chứng và mức độ đau, hoặc hỏi về các triệu chứng khác như bạn có uống bất kỳ thuốc nào khi cho con bú không.
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán được bạn bị viêm vú hay không. Nếu bạn bị viêm nặng hoặc nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị, họ có thể lấy mẫu bệnh phẩm từ sữa của bạn để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ kê được loại thuốc phù hợp nhất với bạn.
Ung thư vú thể viêm cũng có các triệu chứng tương tự viêm vú. Nếu bạn đang điều trị viêm vú và các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm kiểm tra ung thư.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm tuyến vú?
Phương pháp điều trị viêm tuyến vú bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Để chữa trị viêm tuyến sữa, bạn thường sẽ cần dùng thuốc kháng sinh trong 10 đến 14 ngày. Bạn có thể thấy khỏe hơn sau 24 đến 48 giờ dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục sử dụng hết liều thuốc để tránh nguy cơ tái phát.
- Thuốc giảm đau như ibuprofen và acetaminophen, để làm giảm các cơn đau.
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước để giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng vú.
Phòng ngừa viêm tuyến vú
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh viêm mô tuyến vú của mình nếu lưu ý vài điều sau:
- Giải phóng hoàn toàn lượng sữa từ vú khi cho con bú.
- Cho phép bé bú hoàn toàn một bên vú trước khi chuyển sang vú khác.
- Thay đổi vị trí sử dụng để cho con bú trong những lần cho con bú khác nhau.
- Uống nhiều nước, tránh để mất nước.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và có chế độ ăn phù hợp khi đang cho con bú. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bà mẹ kiệt sức.
- Hãy chắc chắn rằng em bé ngậm đúng cách trong khi bú.
- Nếu người mẹ hút thuốc, hãy hỏi bác sĩ về việc cai thuốc lá.
- Cho con bú đúng cách để tránh đau và tổn thương núm vú – Giữ khô núm vú bị tổn thương;
- Vệ sinh sạch sẽ: rửa tay, giữ sạch núm vú, giữ vệ sinh em bé.
- Ngừng hút thuốc.
Leave a reply