Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên, là một bệnh thầm lặng nhưng để lại những hậu quả rất nặng nề. Khoảng 70-80% những người bị viêm gan siêu vi C mà không có bất cứ biểu hiện nào.
Những triệu chứng của viêm gan C
Sau khi virus viêm gan C vào cơ thể, chúng có giai đoạn ủ bệnh khá dài (khoảng từ 6 – 8 tuần), tiếp sau giai đoạn này là thời kỳ khởi phát.
Các trường nhiễm viêm gan C phần lớn không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan, đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ. Có thể gặp vàng da nhẹ, kín đáo. Có thể có các biểu hiện ngoài gan như: đau khớp, viêm khớp, tóc dễ gãy rụng…….
Những triệu chứng trên đôi khi chỉ nhẹ, người bệnh không để ý nên dễ bỏ qua dù gan đang ở trong giai đoạn viêm rất nặng. Giai đoạn bệnh toàn phát có thể kéo dài khoảng 6 – 8 tuần rồi bệnh sẽ tự hết mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, trường hợp khỏi chỉ chiếm 15 – 30% các trường hợp mắc bệnh. Số còn lại sẽ trở thành người lành mang virus viêm gan C (tức là sau 6 tháng cơ thể không đào thải được virus viêm gan C) hoặc chuyển thành người mắc viêm gan C mạn tính.
Các giai đoạn của bệnh HCV
Viêm gan C chia thành 2 giai đoạn: Viêm gan C cấp tính và viêm gan C mạn tính.
Viêm gan C cấp tính
Là một bệnh nhiễm virus phát triển trong những tuần đầu tiên hoặc vài tháng sau khi siêu vi viêm gan C xâm nhập vào máu của một người. “Cấp tính” có nghĩa là bệnh đột ngột và ngắn ngủi, xảy ra trong vòng hai tuần đầu tiên đến sáu tháng.
Trong 25% trường hợp, virus sẽ tự xóa khỏi cơ thể mà không cần điều trị. Nếu không có dấu hiệu rõ rệt về bệnh tật, hầu hết các ca viêm gan C cấp tính đều dẫn đến nhiễm trùng mãn tính.
Viêm gan C mạn tính
Ước tính từ 75% đến 85% những người bị viêm gan C cấp tính sẽ bị nhiễm trùng mãn tính, kéo dài ít nhất 6 tháng và thường lâu hơn. Ngay cả ở giai đoạn này, hầu hết mọi người không có triệu chứng, nhưng điều đó không có nghĩa nhiễm trùng là lành tính.
Con đường lây nhiễm của virus viêm gan C
Viêm gan C thường lây truyền khi máu của người nhiễm virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể của người chưa bị nhiễm. Ngày nay, hầu hết những người bị nhiễm bệnh này là do sử dụng chung kim tiêm hoặc các vật dụng khác để tiêm thuốc.
Virus viêm gan C có thể lây truyền theo các con đường sau:
- Dùng chung kim tiêm, hoặc các vật dụng khác để tiêm thuốc với người mang virus viêm gan C.
- Nhân viên y tế bị kim đâm trong khi làm việc.
- Con được sinh ra từ người mẹ mang virus viêm gan C.
- Dùng chung một số vật dụng với người mang virus viêm gan C (như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,…).
- Quan hệ tình dục với người mang virus viêm gan C.
Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng nào về việc bị nhiễm virus viêm gan C do muỗi chích hoặc côn trùng cắn. Do bệnh không có triệu chứng rõ rệt nên hầu hết người bệnh không nhận ra là họ đã bị nhiễm bệnh và có thể vô tình để bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tuy rất dễ lây lan và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng viêm gan C có thể chữa được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thuốc và đúng cách. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay đó là thuốc ức chế vi rút kết hợp với interferon thế hệ mới.
Những tác hại của virus viêm gan C
Viêm gan siêu vi C là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Xơ gan
Biến chứng đầu tiên của viêm gan C phải kể đến xơ gan. Nhiều người cho rằng xơ gan xảy ra do rượu nhưng bất cứ tình trạng nào gây tổn thương gan trong nhiều năm đều có khả gây ra xơ gan và hình thành mô sẹo. Mô sẹo sẽ mất một thời gian dài, khoảng 20–30 năm để tổn thương gan dẫn đến xơ gan. Nếu tình trạng xơ gan không được điều trị đúng cách, nguy cơ suy gan là rất cao.
Khi gan bị xơ, do vi rút viêm gan C gây ra sẽ làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh tạo nên các vết sẹo và tạo nên những mô sợi. Chúng làm chậm dòng chảy của máu qua gan, gây ứ trệ máu trong các tĩnh mạch của hệ thống tiêu hóa.
Ở giai đoạn đầu của xơ gan thường chỉ có những biểu hiện rất mơ hồ như: Mệt mỏi, chán ăn hoặc đau nhẹ ở vùng bụng bên phải nhưng đôi khi không có bất cứ biểu hiện nào.
Một biến chứng thường gặp của xơ gan là tăng áp tĩnh mạch cửa, trong đó có sự gia tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, nơi giúp vận chuyển máu giữa các cơ quan của hệ tiêu hóa và gan.
Suy gan
Khi bị xơ gan do viêm gan C, nếu không được điều trị thì bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nghiêm trọng hơn, bởi vì các mô sẹo do virut gây ra tiếp tục phát triển làm cho chức năng gan bị suy giảm đi, lâu dần dẫn đến suy gan.
Suy gan được biểu hiện bởi các dấu hiệu rất nghiêm trọng như: Vàng da, vàng mắt, đi tiểu giảm, chân tay bị sưng phù, cổ trướng, thay đổi tính cách.
Xơ gan và suy gan do virus viêm gan C là những biến chứng rất nghiêm trọng và việc điều trị kháng virus là việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng để thải loại virus nhằm phòng tránh các biến chứng và khi đã bị xơ gan, suy gan thì việc ghép gan là phương pháp được khuyến khích sử dụng.
Ung thư gan
Ung thư gan là biến chứng muộn và nguy hiểm nhất của các bệnh lý gan mật. Khi bị nhiễm virus viêm gan C, thì nguy cơ bị ung thư gan sẽ gấp 12 lần so với những người không bị nhiễm và trên thực tế ung thư gan thường xảy ra ở những người bị xơ gan.
Bên cạnh đó, các yếu tố có tác dụng làm tăng nguy cơ bị ung thư gan do viêm gan C gồm: Lạm dụng bia rượu, hút thuốc, nhiễm HIV, béo phì, hàm lượng sắt trong gan cao.
Ngoài ra, vi rút viêm gan C ngoài việc tấn công và hủy hoại gan thì các biến chứng của bệnh còn gây ảnh hưởng đến các bộ phận và hệ thống khác trong cơ thể. Bởi vì trong khi nhiễm virus viêm gan C thì cơ thể hình thành kháng thể để chống lại, chính kháng thể này tạo ra những phản ứng gây ra các tác hại đến các cơ quan khác của cơ thể như thận bị tổn thương, tê, ngứa và đau do tổn thương dây thần kinh, đau khớp, da mẩn đỏ, loét. Viêm gan siêu vi C cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh khác bao gồm đái tháo đường, trầm cảm…
Điều trị bệnh viêm gan C
Tùy thuộc vào tình trạng, giai đoạn của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
- Ở giai đoạn cấp tính: Cần tăng cường khả năng miễn dịch để chống lại virus viêm gan C.
- Ở giai đoạn mãn tính: Bệnh nhân cần được loại bỏ virus ra khỏi cơ thể trước khi bệnh tiến triển để lại những biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp điều trị viêm gan C hiện nay chủ yếu là dùng thuốc ức chế virus HCV. Có nhiều loại thuốc ức chế sự hoạt động của virus viêm gan C được kê đơn như: Zepatier, Harvoni, Epclusa, Vosevi, Mavyret… Nhưng việc dùng thuốc gì, liều lượng ra sao phải dựa vào kết quả thăm khám và mức độ tiến triển của bệnh.
Nếu tình trạng bệnh HCV đã chuyển sang các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm HCV mạn tính, ghép gan là lựa chọn phù hợp được bác sĩ khuyến cáo. Trong quá trình cấy ghép gan, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ phần gan bị hư hỏng của bệnh nhân và thay thế nó bằng một lá gan khỏe mạnh. Hầu hết gan được cấy ghép đến từ những người hiến tặng đã qua đời, người thân có tỉ lệ gan khỏe và phù hợp với người bệnh…
Cách phòng ngừa nhiễm bệnh
Dù chưa có vacxin phòng bệnh nhưng viêm gan siêu vi C hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Một số phương pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả như sau:
- Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm: Những người sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch có khả năng bị lây nhiễm viêm gan C rất cao vì tình trạng dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài kim tiêm, HCV cũng có thể tồn tại trong các dụng cụ khác như ống hút, ống hít khi sử dụng ma túy trái phép.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chế phẩm từ máu: Những người làm trong ngành y tế, xét nghiệm cần cẩn thận để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh. Các thiết bị và dụng cụ y tế sau khi sử dụng đều phải được vứt bỏ một cách an toàn hoặc tiệt trùng đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan C.
- Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân: Không dùng chung các vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay và kéo để tránh bị dính máu và làm lây lan virus.
- Chọn tiệm xăm và xỏ khuyên cẩn thận: Lựa chọn tiệm xăm hình hoặc xỏ khuyên uy tín, có quy trình vệ sinh phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm.
- Quan hệ tình dục an toàn: Không quan hệ tình dục không bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bất kỳ đối tác nào có tình trạng sức khỏe không đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý tốt cân nặng, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân độc hại cho gan như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, hóa chất… và khám sức khỏe định kỳ cũng là phương pháp giúp bạn bảo vệ lá gan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan C cũng như các bệnh về gan khác.