Vỡ tử cung là một trong năm tai biến sản khoa nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và sản phụ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể sẽ gây tử vong, vỡ tử cung trong chuyển dạ thường gặp hơn vỡ tử cung trong thai kỳ.
Vỡ tử cung là gì?
Đây là tình trạng bị nứt và rách hoàn toàn các lớp cơ ở tử cung. Làm cho các thành phần bên trong tử cung, bao gồm cả thai bị tống vào ổ bụng. Nếu không được xử trí kịp thời, sẽ đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra các vấn đề nghiệm trọng khác cho người mẹ như: Sốc do mất máu, rách bàng quang, tổn thương tử cung, v.v. Và đe dọa sự sống của đứa bé do bị thiếu oxy trong tử cung.
Vỡ tử cung có thể gặp trong 2 thời kỳ: Thời kỳ thai nghén (thường ít gặp) hoặc trong thời kỳ chuyển dạ.
Các hình thái lâm sàng trong vỡ tử cung:
- Vỡ tử cung hoàn toàn: Tử cung bị tổn thương toàn bộ các lớp từ niêm mạc, đến cơ tử cung và phúc mạc. Thường thai và rau bị đẩy vào trong ổ bụng.
- Vỡ tử cung dưới phúc mạc: Tử cung bị tổn thương lớp niêm mạc và cơ, lớp phúc mạc còn nguyên vẹn. Thai và rau vẫn nằm trong tử cung.
- Vỡ tử cung phức tạp: Giống với vỡ tử cung hoàn toàn nhưng kèm theo các tổn thương tạng xung quanh như bàng quang, niệu quản, mạch máu, đại – trực tràng,…
- Vỡ tử cung ở người có sẹo mổ cũ: Thường vết mổ bị nứt một phần, ít chảy máu. Nhiều khi chỉ chẩn đoán được khi mổ lấy thai hoặc khi kiểm soát tử cung.
Nguyên nhân gây vỡ tử cung
Nguyên nhân chính gây vỡ tử cung trong chuyển dạ là do áp lực tăng trong quá trình chuyển dạ, khi thai nhi di chuyển qua ống sinh của mẹ. Áp lực này sẽ khiến cho tử cung bị rách và thường rách theo vị trí của vết sẹo do sinh mổ lần trước. Đây cũng chính là nguyên do mà bác sĩ thường khuyên sản phụ không nên sinh thường nếu đã từng sinh mổ trước đó.
Các yếu tố nguy cơ
Khi nói về các yếu tố nguy cơ dẫn đến vỡ tử cung, các chuyên gia thường chia ra làm hai trường hợp: vỡ tử cung trong lúc mang thai và trong cuộc sinh.
- Những yếu tố nguy cơ trong lúc mang thai: Có sẹo mổ cũ trên tử cung. Đặc biệt là trường hợp khi sẹo mổ ở góc tử cung do tiền sử thai ở sừng tử cung; dị dạng tử cung (tử cung một hoặc hai sừng, tử cung đôi,…); Do bị chấn thương mạnh, trực tiếp vào bụng; thủ thuật xoay ngôi thai và nhau cài răng lược.
- Những yếu tố nguy cơ trong cuộc sinh: Do cuộc sinh bị kéo dài thời gian (Có sự cản trở lọt xuống của thai như bất thường khung chậu, thai to, ngôi thai trong tình trạng bất thường); sử dụng thuốc tăng co (thuốc có tác dụng làm tăng tần suất cơn gò để thúc đẩy cuộc sinh); do chấn thương.

Dấu hiệu nhận biết tử cung vỡ
Vỡ tử cung biểu hiện các triệu chứng như sau:
- Chảy máu âm đạo nhiều.
- Đau bụng liên tục ngoài cơn gò, đau dữ dội.
- Cơn gò về sau có thể giảm dần, hoặc mất.
- Tim thai giảm dần, sau đó mất.
- Thăm khám âm đạo thấy: ngôi thai bị đẩy lên cao, sưng phình phần dưới xương mu, mất trương lực cơ co tử cung. Khi vết nứt lớn, thai bị tống vào bên trong ổ bụng, khám thấy phần phần thai lổn nhỏn không đều, lồi nông dưới thành bụng.
- Thất bại sinh ngã âm đạo.
Vỡ tử cung có nguy hiểm không?
Vỡ tử cung là biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả người mẹ và thai nhi.
- Thai nhi bị suy yếu, thậm chí có thể chết vì cơn co dồn dập, nhau bong.
- Người mẹ có thể tử vong nếu:
Tổn thương phức tạp như: rách tử cung hoàn toàn kèm theo rách bàng quang, rách trực tràng. Người mẹ mất máu quá nhiều.
Cơ sở vật chất để chữa trị thiếu thốn, không thể hồi sức cấp cứu.
Xử trí và điều trị vỡ tử cung
Sau khi được chẩn đoán có dấu hiệu của vỡ tử cung, ngay lập tức cần tiến hành mổ cấp cứu. Lập đường truyền tay đề bù dịch và truyền máu khi cần, việc kéo dài sinh ngã âm đạo sẽ dẫn đến tình trạng nguy cho cả mẹ và con.
Sau khi em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, tùy thuộc vào tình trạng rách của tử cung và nguyện vọng mong muốn tiếp tục mang thai của người mẹ mà bác sĩ sẽ lựa chọn khâu lại vết rách hay sẽ mổ cắt tử cung để cầm máu. Lưu ý, tử cung chỉ được khâu lại khi vết nứt vỡ sạch sẽ, gọn, không nham nhở và không bị nhiễm trùng.
Khi sức khỏe của sản phụ đã ổn định thì phải dùng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Phòng ngừa vỡ tử cung
Mẹ bầu trong quá trình mang thai cần biết cách dự phòng để hạ thấp tỷ lệ vỡ tử cung trong chuyển dạ bằng cách:
- Nghiêm chỉnh thực hiện các buổi thăm khám, xét nghiệm khi mang thai, đặc biệt là những buổi khám ở cuối thai kỳ.
- Những người có sẹo tử cung nên chờ ít nhất là 3 năm mới nên mang thai lại.
- Đối với những bà bầu có nguy cơ cao, nên thường xuyên được theo dõi và điều trị kịp thời.
- Trường hợp bà bầu có khung xương chậu hẹp, sinh con nhiều lần, chiều cao tử cung khoảng 34 cm nên chọn những bệnh viện sinh con ở tuyến trên.
- Sử dụng thuốc đúng chỉ định, liều lượng và phải được theo dõi cẩn thận, sát sao.
- Không nên sinh con quá gần nhau và sinh quá nhiều con.
- Cấm đẩy bụng trong giai đoạn rặn sổ thai.
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Do đó, mỗi thai phụ và người thân đều nên hiểu biết về vỡ tử cung để phòng ngừa tai biến này, và phát hiện sớm để được cấp cứu kịp thời. Đồng thời, trang bị cho mình đẩy đủ kiến thức và kỹ năng làm mẹ là điều rất quan trọng giúp cho thai kỳ khỏe mạnh, quá trình vượt cạn an toàn mẹ nhé!