Xẹp đốt sống thường xảy ra ở cổ, lưng, ngực và gây ra những cơn đau dai dẳng, thậm chí làm biến dạng cột sống. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác của cơ thể.
Xẹp đốt sống là bệnh gì?
Xẹp đốt sống hay lún đốt sống là tình trạng thân đốt sống không giữ được chiều cao vốn có, gây tổn thương vùng cột sống và những cơn đau dữ dội cho người bệnh. Lún xẹp đốt sống có liên quan đến yếu tố tuổi tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh có thể làm tăng nguy cơ gãy đốt sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động và thậm chí là tuổi thọ của người bệnh.
Gãy lún đốt sống thường gặp ở những đối tượng bị loãng xương, cụ thể như phụ nữ sau mãn kinh. Do đó, bệnh thường phổ biến ở nữ giới nhưng nam giới cũng mắc phải khá nhiều và tỉ lệ người bệnh tăng dần theo độ tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh như: Chấn thương cột sống, loãng xương, u thân đốt sống, đa u tủy xương… nhưng trong đó loãng xương là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xẹp đốt sống.
Cụ thể hơn, đối với những người bị loãng xương, các nguyên nhân sau sẽ dẫn đến bệnh lý xẹp đốt sống:
- Các hoạt động hằng ngày như hắt hơi mạnh, nâng những vật nhẹ,… cũng gây xẹp đốt sống khi bị loãng xương nặng.
- Các chấn thương té ngã, cố gắng nâng một vật nặng là nguyên nhân gây xẹp đốt sống ở bệnh nhân loãng xương trung bình.
- Đối với người bình thường và không bị loãng xương, những tai nạn trầm trọng như tai nạn giao thông, chấn thương do chơi thể thao, ngã cao sẽ gây ra xẹp đốt sống.
- Xẹp đốt sống nguyên nhân do ung thư di căn: Thường gặp ở những người dưới 55 tuổi, không bị chấn thương hay chấn thương nhẹ, lúc này các tế bào ung thư di căn tới xương cột sống làm phá hủy nơi đây, dẫn đến xương bị yếu rồi xẹp đốt sống.

Triệu chứng của xẹp đốt sống
Các dấu hiệu bệnh điển hình đều liên quan đến khả năng vận động của người bệnh như:
- Đau lưng một cách đột ngột, đau tăng dần khi đứng lê và đi lại, đau giảm đi khi người bệnh nằm xuống.
- Khả năng cử động các cột sống bị giảm sút.
- Chiều cao bị giảm đi do xẹp đốt sống.
- Biến dạng, tàn tật: Gù, vẹo cột sống.
Xẹp đốt sống có nguy hiểm không?
Xẹp đốt sống rất nguy hiểm. Bởi nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể gây ra tình trạng:
- Ảnh hưởng đến độ cân bằng của cột sống, thúc đẩy nguy cơ thoái hóa.
- Đốt sống biến dạng làm mất chiều cao, gù lưng, vẹo cột sống.
- Về lâu dài, đốt sống bị xẹp làm chèn ép các cơ quan nội tạng.
- Biến chứng tổn thương dây thần kinh, gây tê, đau nhức và tàn phế.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Ngoài những biểu hiện lâm sàng, cần làm thêm những kỹ thuật cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán, đưa ra tiên lượng và có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân:
- Chụp X quang: Cho hình ảnh của các khớp, xương và đĩa đệm.
- Chụp cắt lớp vi tính: Cho thấy hình ảnh ống sống, những cấu trúc bên trong và bao quanh nó. Kỹ thuật này hay được kết hợp với chụp tủy sống cản quang, giúp biết được chi tiết của xương và hiện tượng hẹp ống sống.
- Chụp cộng hưởng từ: Cho thấy được tủy sống, các rễ thần kinh và những tình trạng phì đại, thoái hóa hay khối u.
- Đo hấp thụ tia X kép hay đo đậm độ xương: Xác định mật độ khoáng của xương để xác định rõ tình trạng loãng xương ở bệnh nhân. Đây là kỹ thuật khảo sát được cả xương sống và các chi, quét cột sống, vùng hông, cả cơ thể với thời gian chỉ dưới bốn phút.
Biện pháp điều trị bệnh
Người bệnh xẹp đốt sống lưng có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sớm và được tiếp cận đúng phương pháp điều trị:
Sử dụng thuốc
Tùy theo nguyên nhân và tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc giảm đau, giảm đau chống viêm non-steroid, giãn cơ… hoặc thuốc chống loãng xương như các thuốc chứa canxi, vitamin; thuốc ức chế hủy cốt bào (Bisphosphonate), Calcitonin,…
Dùng nẹp lưng
Nẹp lưng có tác dụng nâng đỡ cơ thể nhằm hạn chế cử động tại chỗ bị gãy xương (tương tự như tác dụng của phương pháp bó bột). Tuy nhiên, thời gian phục hồi bệnh bằng phương pháp này khá lâu và gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Phẫu thuật
Có 2 loại phẫu thuật để điều trị tình trạng bệnh là tạo hình đốt sống và tạo hình vùng gù. Tuy nhiên, phẫu thuật có nguy cơ để lại nhiều di chứng cho người bệnh cũng như không phải tình trạng đốt sống bị xẹp nào cũng cần phẫu thuật.

Cách phòng ngừa xẹp đốt sống
Trong y học, phòng ngừa có vai trò rất quan trọng và mang đến hiệu quả cao hơn. Vì thế, lời khuyên từ các chuyên gia cơ xương khớp dành cho mỗi người là:
- Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện điều độ. Đồng thời bổ sung các khoáng chất giàu vitamin D, calci và vitamin khác. Ăn uống cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện loãng xương hoặc các bệnh lý khác và điều trị kịp thời.
- Thay đổi lối sống và sinh hoạt thiếu mạnh bằng cách hạn chế rượu, bia, thuốc lá và tránh các chất kích thích…
- Thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe bằng các môn phù hợp với thể chất. Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, tập thể dục thật sự hữu ích trong việc thúc đẩy sức khỏe của xương.
- Chú ý trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, điều khiển phương tiện giao thông hay làm việc để tránh bị chấn thương, té ngã.
Xẹp đốt sống là một trong những bệnh lý phức tạp, thường gặp ở phụ nữ và rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, các chuyên gia cơ xương khớp khuyên bạn nên chủ động chăm sóc sức khỏe xương bằng lối sống lành mạnh, khoa học. Khi phát hiện bị xẹp lún đốt sống, nên thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Leave a reply