Xét nghiệm HIV là gì?
Xét nghiệm HIV là bao gồm một số xét nghiệm về máu hoặc dịch trong cơ thể để xác định xem bạn có bị nhiễm virus HIV hay không.
Hầu như không thể phát hiện nhiễm HIV ngay lập tức, cơ thể bạn cần phải có thời gian để tạo ra kháng thể hoặc lượng virus đủ để phát triển. Bạn có thể mất khoảng 3–6 tháng trước khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu xét nghiệm sớm, bạn có thể bị âm tính giả trong khi thực tế đã nhiễm bệnh.
Chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm HIV ít nhất một lần và xem đó như là một phần của chăm sóc sức khỏe định kỳ. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến khích tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13–64 nên thực hiện.
Nếu chẳng may bạn nhiễm virus HIV, phát hiện sớm sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần điều trị tốt hơn đồng thời có những biện pháp đề phòng lây truyền HIV cho người khác.
Đối tượng cần được tư vấn và xét nghiệm HIV
Thực hiện xét nghiệm HIV là cách duy nhất để xác định chắc chắn rằng bạn có nhiễm HIV hay không. Nếu bạn có những nguy cơ cao nhiễm HIV, bạn cần được kiểm tra thường xuyên hơn.
Trường hợp bạn đã xét nghiệm và nhận được kết quả âm tính với HIV từ hơn một năm trước nhưng vẫn liên quan đến một trong những vấn đề, hoạt động dưới đây, bạn nên tiến hành xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt vì nguy cơ nhiễm virus HIV đã tăng lên:
- Người nghiện chích ma túy.
- Người hành nghề mại dâm, quan hệ đồng giới nam, người chuyển giới.
- Người mắc bệnh lao, người nhiễm virus viêm gan C, người mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, phụ nữ mang thai, vợ/chồng/con của người nhiễm HIV, chị em của trẻ nhiễm HIV.
- Người phơi nhiễm với HIV, người có quan hệ tình dục không an toàn với người sử dụng ma túy không rõ tình trạng nhiễm HIV.
- Người bệnh đã được khám lâm sàng và được xét nghiệm cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV.
Bạn nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần mỗi năm nếu vẫn tiếp tục các hoạt động trên. Nếu bạn đang mang thai, hãy thông báo với bác sĩ khi xét nghiệm HIV và nhờ tư vấn các biện pháp có thể giúp bạn cũng như con bạn không bị nhiễm HIV.
Các loại xét nghiệm HIV
Xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm axit nucleic (NAT), xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể và xét nghiệm kháng thể. Các xét nghiệm này thường lấy mẫu máu hoặc dịch miệng, một vài trường hợp có thể lấy mẫu nước tiểu.
Xét nghiệm axit nucleic (NAT)
Xét nghiệm này giúp tìm kiếm virus HIV thực sự có trong máu hay không. Xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính/dương tính hay cho biết lượng virus có trong máu (còn gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Xét nghiệm này khá tốn kém và không được sử dụng thường xuyên với mục đích sàng lọc cá nhân, trừ khi bạn có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao hay xuất hiện các triệu chứng HIV sớm.
Xét nghiệm axit nucleic thường khá chính xác trong giai đoạn đầu khi nhiễm HIV. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên làm thêm xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên/kháng thể để giúp bác sĩ hiểu rõ kết quả âm tính khi xét nghiệm axit nucleic. Lưu ý, khi bạn dùng thuốc để dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) có thể làm giảm độ chính xác của xét nghiệm axit nucleic.
Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV
Xét nghiệm này dùng để tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với virus HIV. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên. Khi bạn nhiễm virus HIV, một kháng nguyên được gọi là p24 sẽ xuất hiện sau khi nhiễm khoảng 2–4 tuần.
Xét nghiệm kháng thể
Hầu hết các xét nghiệm HIV nhanh hay các bộ xét nghiệm có thể thực hiện tại nhà là xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm này sẽ tìm kiếm kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể. Tuy nhiên, các xét nghiệm kháng thể sử dụng máu từ tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn so với các xét nghiệm được thực hiện với mẫu máu hoặc dịch tiết cơ thể.
- Hầu hết các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV, nhưng xét nghiệm sàng lọc kháng thể cũng có thể tiến hành trong phòng thí nghiệm của trung tâm y tế. Khi đó, bạn sẽ được yêu cầu lấy máu từ tĩnh mạch vào một ống đựng mẫu rồi gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
- Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể nhanh chóng, kết quả thường có nhanh hơn (trong khoảng 30 phút). Xét nghiệm này được thực hiện trong môi trường lâm sàng thông thường, lấy mẫu máu từ ngón tay hoặc lấy dịch miệng.
- Tự kiểm tra kháng thể trong dịch miệng là một cách xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh chóng. Bạn chỉ cần tự lấy mẫu dịch tiết cơ thể và sử dụng bộ dụng cụ y khoa để kiểm tra, kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút. Bạn có thể thực hiện xét nghiệm này tại nhà hoặc tại các chương trình sàng lọc HIV trong cộng đồng hay phòng khám.
Khi bạn có kết quả dương tính từ bất kỳ kiểu xét nghiệm kháng thể nào, bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm theo dõi để xác nhận kết quả. Bạn có thể tìm gặp bác sĩ để nhờ tư vấn loại xét nghiệm nào là phù hợp nhất.
Sau khi có được kết quả cuối cùng, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị nếu bạn đã nhiễm HIV. Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV âm tính, hãy tiếp tục thực hiện các hành động để ngăn ngừa HIV, chẳng hạn như sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục và uống thuốc để ngăn ngừa HIV nếu bạn có nguy cơ cao.
Kết quả xét nghiệm HIV
Xét nghiệm HIV bao lâu thì có kết quả?
Thực sự rất khó để biết chính xác một người nhiễm HIV từ khi nào, bởi vì HIV tiến triển mạn tính, trong thời gian đầu, đôi khi bệnh nhân cũng có một số triệu chứng, nhưng các triệu chứng đó hoàn toàn không đặc hiệu, toàn thân như sốt, uể oải, các triệu chứng giả cúm.. vì vậy rất dễ bỏ qua.
Virus HIV sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhân lên và gây bệnh cho người mắc một cách thầm lặng trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường:
Trong tuần đầu tiên, virus HIV nhân lên và xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cơ thể. Tuy nhiên thời điểm này virus HIV được phát hiện trong dịch não tủy trước khi phát hiện trong máu.
Khoảng 3 – 6 tuần tiếp theo, hầu hết người phơi nhiễm HIV đều không có biểu hiện gì đặc biệt và sức khỏe vẫn bình thường. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp xuất hiện các dấu hiệu ở giai đoạn sớm của nhiễm HIV gần giống với cảm cúm thông thường như: sốt, nổi hạch, nổi các nốt ban đỏ trong thời gian ngắn.
Như vậy sau khi phơi nhiễm khoảng 4 – 6 tuần người nghi ngờ phơi nhiễm HIV có thể làm xét nghiệm. Tuy nhiên thời điểm để xác định HIV có kết quả chính xác nhất là 2 – 3 tháng kể từ thời điểm nghi phơi nhiễm.
Vậy khi xét nghiệm HIV bao lâu có kết quả chính xác? Theo đó, thời gian để biết được kết quả xét nghiệm HIV chính xác nhất là qua thời kỳ cửa sổ nghĩa là sau 3 tháng. Tuy nhiên ngành y tế khuyến cáo mọi người cần tham gia xét nghiệm càng sớm càng tốt sau khi có hành vi nguy cơ, chứ không phải chờ cho đến qua thời kỳ cửa sổ 3 tháng.
Kết quả xét nghiệm
Kết quả âm tính: Tư vấn và trả lời kết quả cho người xét nghiệm là không nhiễm HIV. Đối với người xét nghiệm còn nghi ngờ trong giai đoạn cửa sổ cần xét nghiệm lại sau 3 tháng. Với người xét nghiệm thuộc nhóm nguy cơ cao, hẹn xét nghiệm lại sau 6 tháng.
Kết quả không xác định: Chưa xác định sự có mặt của kháng thể kháng HIV. Tư vấn, trả lời kết quả cho người xét nghiệm là không xác định tình trạng nhiễm HIV. Hẹn người xét nghiệm xét nghiệm lại sau 14 ngày.
Kết quả khẳng định dương tính: Tư vấn sau xét nghiệm và khẳng định người xét nghiệm đã nhiễm HIV. Trả kết quả và chuyển gửi người xét nghiệm đến cơ sở điều trị HIV và các dịch vụ phù hợp khác.
Như vậy việc xét nghiệm HIV là rất cần thiết khi nghi ngờ mình đã phơi nhiễm, hay có những biểu hiện sớm của bệnh HIV. Việc xét nghiệm HIV nên được tiến hành tại các trung tâm, bệnh viện uy tín, có trang thiết bị công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt với đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao để đảm bảo việc xét nghiệm diễn ra an toàn, chính xác mà vẫn đảm bảo sự riêng tư cá nhân.