Xơ phổi là tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi. Xơ phổi có thể khiến người bệnh khó thở và gặp những biến chứng nguy hiểm.
Xơ phổi là gì?
Xơ phổi hay xơ hóa phổi (Pulmonary Fibrosis) là tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi (bao gồm cả đỉnh và thùy phổi). Những vết sẹo ở phổi ngăn chặn và cản trở hoạt động hít thở của người bệnh, khiến người bệnh khó thở cùng các biến chứng nguy hiểm khác.
Bệnh được chia thành 3 dạng:
- Xơ phổi thứ phát: Xuất hiện sau khi có tổn thương phổi như lao phổi, viêm phổi, nhồi máu phổi.
- Xơ phổi khu trú: Khi hít phải các chất gây kích thích như bụi than, silica.
- Xơ phổi vô căn (Idiopathic pulmonary fibrosis), bệnh phổi mô kẽ lan tỏa (Diffuse parenchymal lung disease) và bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai, hay còn gọi là bệnh viêm phổi tăng cảm (Extrinsic allergic alveolitis).
Nguyên nhân gây bệnh xơ hóa phổi
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân nào gây bệnh xơ phổi, tuy nhiên các yếu tố sau được xem là nguyên nhân và làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
- Hút thuốc nhiều.
- Bị nhiễm trùng một số loại virus gây bệnh đường hô hấp.
- Thường xuyên tiếp xúc hoặc sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi.
- Đang điều trị và sử dụng một số loại thuốc.
- Do di truyền, gia đình có người bị xơ phổi.
- Bị mắc bệnh dạ dày trào ngược.`
- Ảnh hưởng của bức xạ.

Triệu chứng của bệnh xơ phổi
Các triệu chứng phổ biến của xơ phổi là:
- Khó thở.
- Ho khan.
- Mệt mỏi.
- Đau tức ngực.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau nhức cơ bắp và khớp.
- Đầu ngón tay hoặc ngón chân to bè.
Biến chứng xơ hóa phổi nguy hiểm
Bệnh xơ phổi tiến triển qua từng giai đoạn, điều đáng lo ngại là các dấu hiệu bệnh có thể kiểm soát được và thuyên giảm, nhưng không thể khôi phục được các tổn thương phổi. Bệnh gây khó thở cùng một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Giảm mức oxy trong máu xuống thấp: Phổi xơ hóa làm giảm lượng oxy nạp thêm vào máu, nguy cơ thiếu oxy trong máu gây phá vỡ hoạt động cơ thể, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
- Tăng áp lực lên động mạch phổi: Khi các động mạch và mao mạch nhỏ bị nén sẽ dẫn đến sức kháng mạch máu trong phổi tăng, làm tăng áp suất trong động mạch phổi. Đây là hiện tượng đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây tử vong cho người bệnh ngay sau đó.
- Suy tim phải: Trường hợp tâm thất phải hoạt động mạnh hơn, sức bơm mạnh hơn bình thường để di chuyển máu qua động mạch phổi bị chặn có thể dẫn đến suy tim phải.
- Suy hô hấp: Hầu hết trường hợp này xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh phổi mãn tính, khi mức oxy trong máu giảm thấp đến mức báo động nguy hiểm, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, gây bất tỉnh và hôn mê sâu.
Các phương pháp chẩn đoán xơ phổi
Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì rất khó để chẩn đoán bệnh xơ phổi tức thời. Bệnh có thể được chẩn đoán phân biệt khi người bệnh thực hiện các chỉ định sau:
- Chụp X-quang vùng ngực: Cho thấy các mô sẹo điển hình của bệnh.
- Đo chức năng hô hấp: Giúp đáng giá chức năng thông khí của phổi, trong bệnh xơ phổi chức năng thông khí thường giảm, tùy theo mức độ xơ.
- Chụp Cắt lớp vi tính độ phân giải cao: Là công cụ hữu ích cho việc chẩn đoán bệnh xơ phổi do chi tiết hình ảnh sắc nét, thể hiện rõ ràng các tổn thương phổi, những đặc điểm đặc trưng trên hình ảnh của bệnh lý.
- Một số xét nghiệm máu đánh giá chức năng phổi, tình trạng nhiễm trùng: Công thức máu, khí máu, CPR ….

Biện pháp điều trị xơ phổi
Lối sống lành mạnh cho bệnh nhân xơ phổi
Dù phát hiện xơ phổi ở giai đoạn nào, người bệnh cũng không nên chủ quan không điều trị và kiểm soát bởi bệnh sẽ tiến triển rất nhanh. Để hỗ trợ điều trị, tăng cường chức năng phổi, dưới đây là một số lưu ý dành cho bệnh nhân xơ phổi:
Ngừng hút thuốc lá
Việc này đặc biệt quan trọng, bệnh nhân xơ phổi phải ngưng hút thuốc lá ngay lập tức để tránh tiếp tục gây tổn thương và xơ hóa phổi.
Vận động phù hợp
Vận động thể thao, nhất là các bài tập hít thở có tác dụng rất tốt với hoạt động của phổi. Song khi chức năng phổi suy giảm, hãy trao đổi với bác sĩ về chế độ luyện tập phù hợp.
Thường xuyên tái khám theo dõi bệnh
Để kiểm tra xơ phổi có tiếp tục tiến triển hay ở mức độ nào, nguy cơ biến chứng ra sao,… để điều chỉnh điều trị và lối sống thích hợp, bệnh nhân cần thường xuyên tái khám đúng hẹn.
Nghỉ ngơi nhiều
Ít nhất tám giờ nghỉ ngơi chất lượng tốt mỗi đêm có thể tăng cường hệ miễn dịch và cảm giác hạnh phúc.
Chế độ ăn phù hợp
Bên cạnh xây dựng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, bệnh nhân nên được chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa và ăn liên tục hơn.
Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy chủ động phòng ngừa bệnh, đừng để bệnh phát triển và gây hại cho bản thân.