Tinh hoàn là một bộ phận thuộc tuyến sinh dục nam, là nơi sản xuất và dự trữ tinh trùng. Bên cạnh đó, nó cũng tham gia vào chức năng của hệ nội tiết để sản xuất ra hormone testosterone, một loại hormone quan trọng của nam giới.
Xoắn tinh hoàn là bệnh gì?
Bình thường, tinh hoàn được giữ cố định bằng các dây thừng tinh. Những dây thừng tinh này ngoài việc cố định tinh hoàn thì còn bao gồm các mạch máu, dây thần kinh dẫn đến tinh hoàn và các ống dẫn nội tiết khác. Khi tinh hoàn bị xoắn lại ở đoạn cuối của dây thừng tinh sẽ dẫn đến tình trạng xoắn tinh hoàn.
Ở vị trí xoắn dạng xoắn ốc này, máu sẽ không có cách nào lưu thông và tinh hoàn sẽ không được cung cấp máu. Nếu tình trạng này kéo dài tinh hoàn sẽ bị tổn thương. Bệnh lý này khá phổ biến, tỉ lệ nam giới ở độ tuổi dưới 25 mắc phải bệnh này rơi vào khoảng 4.5/1000. Nhưng thường gặp nhất vẫn là ở trẻ nhỏ và tuổi dậy thì. Đặc biệt với những trẻ sinh đôi thì xác suất mắc phải bệnh ở trẻ thứ hai là từ 25 – 50%. Xoắn tinh hoàn ở trẻ cần được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Nguyên nhân gây xoắc tinh hoàn
Mặc dù tỉ lệ nam giới bị xoắn thừng tinh hoàn rất thấp nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa được biết một cách chính xác. Xoắn có thể xảy ra trong lúc đang làm việc, có liên quan đến chấn thương, hoặc xảy ra trong khi ngủ. Các quý ông có thể lưu ý một số trường hợp có thể gây xoắn thừng tinh hoàn như sau:
- Bất thường bẩm sinh.
- Tinh hoàn không xuống bìu đầy đủ.
- Hoạt động thường ngày bất cẩn, sinh hoạt tình dục.
- Chấn thương.
- Tập luyện thể lực không đúng cách.
- Phản xạ thừng tinh.
- Khí hậu lạnh.
Dấu hiệu xoắn tinh hoàn
Khi con đường vận chuyển máu đến bìu bị cắt đứt, tinh hoàn bị xoắn có thể gây đay dữ dội. Cơ quan sưng to và có nguy cơ hoại tử nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình nam giới nên theo dõi, nhận biết để liên hệ sớm với bác sĩ:
- Đau đột ngột và dữ dội một bên bìu.
- Đỏ và sưng bìu.
- Một bên tinh hoàn cao hơn bên còn lại.
- Đau bụng.
- Buồn nôn và nôn.
- Sốt.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Chóng mặt.
- Xuất hiện khối u bất thường trong bìu.
Biến chứng xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là tình trạng khẩn cấp, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như sau:
- Tổn thương tinh hoàn nghiêm trọng: Tinh hoàn bị xoắn có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng do lưu lượng máu giảm, thiếu hụt nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ quan. Trong trường hợp bắt buộc, phải cắt bỏ tinh hoàn để tránh hoại tử lan rộng hoặc chết mô.
- Vô sinh: Tác động của tình trạng xoắn tinh hoàn đối với khả năng sinh sản lâu dài vẫn chưa được có kết luận đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tượng này có nguy cơ ảnh hướng đến chức lượng tinh trùng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và người lớn.
- Gây tổn thương cho bên tinh hoàn còn lại: Sau khi một tinh hoàn bị tổn thương, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để tiến hành dọn dẹp, chữa lành. Trong quá trình này, các kháng thể hoặc protein sẽ được tạo ra, có nguy cơ gây tổn thương cho tinh hoàn còn lại.
- Tổn thương do tái tưới máu: Loại tổn thương này thường xảy ra ở các mô bị thiếu nguồn cung cấp máu trong một thời gian dài.
- Nhiễm trùng huyết: Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp (0,03%), nếu xoắn tinh hoàn kéo dài không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nghiêm trọng và lan rộng sẽ gây tổn thương máu, các cơ quan lân cận, thậm chí là tử vong.
Chẩn đoán xoắn tinh hoàn
- Những triệu chứng lâm sàng: Tinh hoàn bên bị xoắn đau dữ dội và đột ngột, cao hơn bên bình thường, bìu bên xoắn to đau, mất phản xạ da bìu bên tinh hoàn bị xoắn (bằng kích thích nhẹ mặt trong đùi phía bên. Nếu bình thường thì tinh hoàn co lại, nếu bị xoắn tinh hoàn thì phản xạ này không xảy ra).
- Các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm Doppler màu có thể thấy hình ảnh thiếu máu nuôi tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh căng to, tổn thương do xoắn tinh hoàn.
Điều trị xoắn tinh hoàn
- Xoắn tinh hoàn là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa, cần liên hệ ngay với bác sĩ khi bị đau bìu cấp. Triệu chứng điển hình là những cơn đau nhói đột ngột. Tuy nhiên, nhiều người bệnh sẽ gặp phải tình trạng xoắn không liên tục, tức là đau dữ dội sau đó giảm bớt. Khả năng tái phát cao nên cần áp dụng điều trị sớm.
- Trong đó, phẫu thuật là lựa chọn luôn được ưu tiên số một trong chữa xoắn tinh hoàn. Mổ cần được thực hiện càng nhanh càng tốt để khôi phục con đường vận chuyển máu đến bìu. Nếu dòng máu bị ngưng hơn 6 giờ đồng hồ, mô tinh hoàn có nguy cơ cao sẽ chết. Tinh hoàn bị ảnh hưởng sau đó phải cắt bỏ.
- Phẫu thuật tháo xoắn được thực hiện với gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bìu, sau đó tháo xoắn. Các mũi khâu nhỏ sẽ cố định tinh hoàn vào đúng vị trí trong bìu, ngăn không cho xoắn xảy ra lần nữa.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy khi có những dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Leave a reply